Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Thông tư cạnh tranh với tiểu phẩm hài

Thông tư của Bộ GD&ĐT ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ VN anh hùng đi thi đại học và dự thảo phạt của Bộ Công an đề xuất phạt chồng chì chiết vợ 500.000 đồng đang khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có người nhận xét những đề xuất này hài hước còn hơn các tiểu phẩm nghệ sĩ hài vắt óc cả tháng mới nghĩ ra.


Từ 19/8/2013, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi Đại học sẽ được cộng điểm (ảnh minh họa)
Từ 19/8/2013, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi Đại học sẽ được cộng điểm (ảnh minh họa)

Ngày 10/7, nhiều tờ báo hào hứng thông tin tới bạn đọc rằng Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo đó, 7 đối tượng được bổ sung diện ưu tiên gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Những đối tượng thuộc diện ưu tiên này sẽ được cộng 2 điểm khi thi ĐH, CĐ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013, tức là mùa thi năm nay, có vị nào thuộc diện ưu tiên trên mà còn đủ sức đi thi đại học thì đã được xét cộng điểm ưu tiên rồi.

Trên khắp các diễn đàn, người ta bàn tán xôn xao về ưu tiên này của Bộ, có ý kiến cho rằng cứ cho là 10 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng đi, thì những người này trẻ nhất cũng phải sinh năm 1935, nghĩa là năm 2013 này ít nhất cũng đã 78 tuổi. Giả sử thi đại học có đậu, học tiếp 4 năm (cứ cho là sức học như thanh niên, học đúng 4 năm ra trường), thì học xong ĐH cũng đã 82 tuổi. Tốt nghiệp xong, chẳng lẽ họ mang bằng cấp đi nộp đơn xin việc với Diêm vương à?

Các bà mẹ VNAH hiện đều ở tuổi 70-80, tuổi già lực kiệt, từ trước tới nay báo chí cũng chưa phát hiện trường hợp có bà mẹ nào đi thi đại học, giờ Bộ lại ưu ái thế này thì hóa chẳng là "nhắc khéo" các cụ phải chuyên tâm vào con đường học hành nếu không thì sẽ phí mất 2 điểm ưu tiên?

Trả lời thắc mắc của báo chí về thông tư lạ đời này, PGS.TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: "Việc bổ sung đối tượng ưu tiên căn cứ vào Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng như thế là phù hợp".

Vẫn biết Bộ soạn thông tư nào chẳng căn cứ vào Nghị định có trước, nhưng việc làm máy móc như thế này quả là không cần thiết và dường như lại gây hiệu ứng ngược trong dư luận xã hội. Pháp luật do con người sinh ra, nhưng con người không thể là một cỗ máy dập khuôn, điều gì hợp tình hợp lý thì mới nên thực hiện, bỏ thời gian công sức ra soạn một thông tư "gây cười" thế này, chẳng phải biết Bộ có nghĩ đến phản ứng của người tiếp nhận?

Ngoài thông tư cộng điểm cho Bà mẹ VNAH của Bộ GD&ĐT đã nói trên, Bộ Công an cũng vừa có một dự thảo "Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" gây hoang mang không kém về tính khả thi.

Có thể nhặt trong dự thảo này rất nhiều những quy định liên quan đến lĩnh vực bạo lực gia đình khó hiểu, ví dụ "Người thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần... bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng". Nhiều người phỏng đoán, chuyện xử phạt việc dọa nạt bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật khiến hoảng sợ này chắc là nhắm đến đối tượng các bà mẹ có con lười ăn nên hay phải lấy hình ảnh ông ba bị, con hổ, con sói ra dọa con, chứ người trưởng thành nào lại sợ ba cái thứ vặt vãnh đó nữa?

Hay một quy định gây bất bình nhất là: "Mức phạt 500.000 đến 1.000.000 đồng cũng áp dụng với người thường xuyên đe dọa đuổi thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét, nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng".

Người chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình sẽ bị quy vào nhóm hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự và bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Nếu tiết lộ và phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư thì mức phạt tăng thêm 500.000 đồng.

Đọc những quy định quá cụ thể chi tiết thế này, người dân không thể tránh khỏi câu hỏi không hiểu tại sao Bộ Công an lại có thể kiên nhẫn cụ thể hóa tỉ mỉ đến mức liệt kê theo kiểu văn phong tiểu thuyết ba xu: "thường xuyên đe dọa đuổi thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét". Hành vi "đuổi thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ" đã đủ cấu thành tội rồi, tại sao lại còn phải "vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét", thế thì người ta cứ lựa lúc đẹp trời, ban mai sáng rực rỡ để đuổi nhau đi thì sẽ thoát tội, không bị phạt hay sao?

Còn một cụm từ khó hiểu nữa, đó "chì chiết", đưa vào Nghị định một hành động được xét đoán đầy cảm tính thế này, có tài thánh cũng chẳng hiểu được. Như thế nào thì bị coi là "chì chiết", để cụ thể hóa hành vi này, đề nghị Bộ Công an nên đính kèm vào Nghị định danh sách bản kê chi tiết những mẩu hội thoại, những lời lẽ bị quy là "chì chiết" để dân chúng biết đường mà tránh, kẻo không kiểu này sẽ mất tiền phạt liên tục như chơi.

Một vấn đề nữa là xử phạt những hành vi này bằng tiền cũng không ổn, "của chồng công vợ", "ếch nào mà chẳng là thịt", có gia đình nào cãi lộn chì chiết nhau rồi cả đôi vợ chồng lại tươi tỉnh dắt nhau đi nộp phạt vì đã vi phạm điều cấm này không? Hơn nữa, nếu họ chì chiết mà lại bí mật (trong nhà mà) không ai biết được, thì có phải cơ quan soạn thảo bị thất thu khoản này không?

Càng đọc dự thảo Nghị định này của Bộ Công an, tôi lại càng tìm ra nhiều điểm phi lý hài hước mà các tiểu phẩm hài đang trình diễn trên sân khấu hiện nay thua xa về độ bất ngờ, sống động. Xử phạt kiểu "tận thu" đến cả lời chì chiết thế này, người dân không phản ứng mới là lạ.

Điểm lại ở xứ ta, càng ngày càng xuất hiện nhiều thông tư, dự thảo nghị định ban hành ra chỉ gây nên sự nực cười và khiến người ta phải đặt dấu hỏi nghi ngờ trình độ của những người soạn thảo cũng như cơ quan ban hành ra chúng. Thế mà tuyệt nhiên chưa thấy một quy định nào đề cập đến chuyện cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt vì hành động đưa ra những văn bản chưa đạt chuẩn này, có lẽ đó mới chính là quy định cần thiết mà người dân đang mong mỏi từ phía các cơ quan quản lý.

Mi An
Source : xalo[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến