Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Khóc cười với tiền đền bù: Trắng tay vì bị lừa

Một người buôn mang đến bán nợ cho ông Nang 10kg mỡ heo, 1 con gà và 1 cái rựa. Khi nghe tin ông Nang được nhận tiền đền bù, ông H liền đến tận nơi nhận tiền thông báo số nợ phải trả là 10 triệu đồng.


Đã có nhiều hộ dân nghèo vùng dự án bị các đối tượng phỉnh dụ lấy hàng chục tỷ đồng tiền đền bù. Thế nhưng, theo đại diện chính quyền và cơ quan chức năng huyện Sơn Tây, do nhiều nguyên nhân nên việc ngăn chặn mới chỉ là giải pháp tình thế.

10kg mỡ heo + 1 cái rựa + 1 con gà =10 triệu đồng

Với hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo rớt mùng tơi, bản thân lại hay rượu chè bê tha, ông Đinh Văn Nang (45 tuổi, ở xã Sơn Liên) được các chủ hàng quán trong vùng và những người từ vùng xuôi lên đây buôn bán xếp vào dạng khách hàng "tuyệt đối không bán nợ".

Thế nhưng, chị Đinh Thị Lót - con gái ông Nang kể, bất ngờ cách đây khoảng hơn 1 tháng, bỗng nhiên ông H - một người buôn bán trong huyện mang đến bán nợ cho bố chị 10kg mỡ heo, 1 con gà và 1 cái rựa. Đến khi nghe tin ông Nang được nhận tiền đền bù, ông H liền đến tận nơi nhận tiền thông báo số nợ phải trả là 10 triệu đồng.

Khóc cười với tiền đền bù: Trắng tay vì bị lừa
Cảnh chủ nợ bao vây để giật tiền nợ của người dân trước cổng trụ sở UBND huyện Sơn Tây vào ngày 8.7.

Thê thảm hơn đó là trường hợp của ông Đinh Văn Rót, từng được xem là giàu có ở Sơn Liên. Hơn 4 năm trước, khi bắt đầu có quyết định triển khai Dự án Thủy điện Đakrinh, cũng là lúc ông bị bệnh nằm liệt giường. Cũng như nhiều hộ khác trong vùng, người thân của ông Rót không biết gì về số đất rẫy của mình nằm trong diện giải tỏa. Vì vậy khi nghe một số người đến hỏi mua, con của ông Rót liền gật đầu bán với giá rẻ mạt, thậm chí chỉ đổi bằng gas và rượu. Để rồi cách đây hơn 2 tuần, khi nhận khoảng 1,2 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ thì bị số người kia đến lấy hết sạch...

Tham gia phỉnh dụ lấy tiền đền bù và hỗ trợ của người dân vùng Dự án Thủy điện Đakrinh không chỉ những người buôn bán trong huyện, vùng lân cận và từ đồng bằng lên mà theo phản ánh của dư luận địa phương, còn có cả người thân một số cán bộ lãnh đạo ở xã và huyện này.

Nhân vật đình đám và được bàn tán nhiều nhất suốt mấy ngày qua là bà X - vợ một trưởng phòng ở huyện Sơn Tây. Chỉ sau 2 lần chi trả trong vòng chưa đầy 2 tuần qua, bà X đã thu về khoảng 6 tỷ đồng. Số lợi nhuận đó không phải của riêng bà X, mà còn có phần hùn của một số người thân quan chức khác...

Giật tiền ngay trên tay để trừ nợ

Chị Đinh Thị Lót kể: Chiều 8.7, vừa nhận khoảng 400 triệu đồng tiền đền bù của gia đình bước ra đến cổng thì một số chủ tiệm tạp hóa, buôn bán mà cha chị đã mua chịu trước đó ùa đến vây quanh. Cùng với lên tiếng đòi tiền nợ, nhiều người thò tay níu áo, kẻ giật túi tiền đang cầm trên tay, và hơn 250 triệu đồng đã bị ai đó giật lấy mất.

Rất may nhờ có một số cán bộ công an đang đứng phía trong cổng ra can thiệp kịp thời nên chị ôm số tiền còn lại chạy thoát vào bên trong cổng và gửi toàn bộ cho cán bộ ngân hàng. Trước tình trạng trên, lực lượng Công an huyện Sơn Tây đã phải tăng cường thêm lực lượng; đồng thời vận động người dân gửi trở lại ngân hàng đang có mặt, làm việc tại trụ sở UBND huyện, tránh bị chủ nợ giật để trừ.

Tuy nhiên, theo trung tá Trần Minh Thành - Phó Trưởng Công an huyện Sơn Tây, việc làm này cũng chỉ giúp người dân khỏi bị chủ nợ giật ngay trên tay sau khi vừa nhận tiền mà thôi. Vì chẳng bao lâu sau đó, bằng nhiều cách, số chủ nợ cũng sẽ ép được người dân đi rút tiền về trả cho họ. Lúc đó dù có biết thì lực lượng công an rất khó xử lý, nếu người dân không có đơn yêu cầu, hoặc đề nghị.

Đây là vụ việc rất phức tạp, liên quan đến hàng loạt vấn đề và nhiều người. Bởi lẽ phần lớn các trường hợp mua bán đều là thỏa thuận miệng với nhau và diễn ra từ nhiều năm trước. Người đồng bào do bản chất thật thà, nhận thức hạn chế, nên dù thấy thiệt thòi, nhưng không dám tố cáo, phản ánh. Vì vậy nếu muốn điều tra làm rõ để xử lý cái gốc vấn đề ,cần rất nhiều công sức và sự cho phép của cấp thẩm quyền.

Trung tá Trần Minh Thành - Phó Trưởng Công an huyện Sơn Tây

Để tránh tình trạng người dân nằm trong khu vực giải tỏa của Dự án Thủy điện Đakrinh thiếu, không có đất sản xuất, chính quyền đã áp dụng phương án buộc những hộ được đền bù phải còn ít nhất là 2ha đất sản xuất ở nơi khác. Theo đó, nếu thiếu bao nhiêu thì huyện sẽ giữ lại phần tiền đền bù có giá trị tương đương để hoán đổi phần đất sản xuất đủ theo quy định, số tiền còn lại sẽ cấp phát cho dân. Vì thế không có chuyện sau khi bị giải tỏa, dân không có đất sản xuất.

Ông Võ Thìn- Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Tây
Source : xalo[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến