Hôm qua (11/7), trong ngày làm việc thứ hai kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết ĐH XI của Đảng tại Hải Phòng, Tổng Bí thư chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Tham dự buổi làm việc có Đoàn công tác Trung ương và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Thành ủy, UBND TP Hải Phòng.
Tổng Bí thư trao đổi với các Đại biểu TP.Hải Phòng tại buổi làm việc |
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH
Ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng - đã báo cáo Tổng Bí thư và Đoàn công tác tình hình thực hiện Nghị Quyết Đại hội XI của Đảng, Kết quả triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng.
Theo đó, ngay sau ĐH XIV Đảng bộ Thành ủy Hải Phòng, ĐH XI của Đảng, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Thành ủy Hải Phòng cũng liên tiếp ban hành 8 Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ các năm 2012, 2013; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011 – 2012; Nghị quyết về phát triển quản lý đô thị, phát triển thương mại Hải Phòng, xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Trong những năm vừa qua, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng đã được chuyển dịnh đúng hướng CNH, HĐH và phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố. Năm 2013, tỷ trọng GDP của nhóm ngành dịch vụ ước đạt 53,5%. Huy động vốn đầu tư trên địa bàn tăng khoảng 8,11%, ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư từ ngân sách có xu hướng giảm dần, chỉ chiếm khoảng 16 – 17% tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn, chủ yếu dành cho đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng KT – XH. Nhóm ngành dịch vụ, hoạt động thương mại, dịch vụ cảng, vận tải biển, du lịch dự kiến có mức tăng trưởng từ 5- 22%/năm.
Đặc biệt, năm 2012, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có tốc độ tăng trưởng mạnh, Hải Phòng đã thu hút được trên 1,23 tỷ USD với các Dự án đầu tư được đánh giá cao về quy mô, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao. Khu vực FDI đóng góp hơn 15% GDP, chiếm tỷ trọng gần 85% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo ra hơn 65.000 việc làm, đóng góp gần 20% tổng thu nội địa.
Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện quy hoạch này, một số dự án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị quy mô lớn, quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của TP, vùng kinh tế phía Bắc như Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Tân Vũ - Lạch Huyện, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Dự án cải tạo và nâng cấp Cảng hàng không Cát Bi… đã và đang được triển khai, nhiều dự án như Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến thông xe vào năm 2014.
Những dự án này với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nguồn kinh phí lên tới hơn 400 tỷ đồng được lồng ghép với Chiến lược quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất… Hải Phòng đang thực sự mở rộng không gian phát triển kinh tế.
Cần phát huy lợi thế, mở rộng kinh tế vùng
Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng – cũng báo cáo Tổng Bí thư, Đoàn công tác tình hình thực hiện Nghị Quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng Hải Phòng trong thời kỳ CNH - HĐH, Hải Phòng đã làm tốt công tác giảm nghèo, chăm sóc người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015 dự kiến chỉ còn dưới 3%.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, chủ động, đổi mới, đi vào chiều sâu, thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng được tăng cường. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.175 đảng viên, 214 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm; tổng số đảng viên bị kỷ luật là 2.302 đồng chí, chiếm 2% tổng số đảng viên của toàn đảng bộ.
Tính đến nay, có 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ thành phố đề ra. Hải Phòng kiến nghị Trung ương Đảng, Chính phủ sớm nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế về chính sách tài chính, ngân sách theo hướng cho Hải Phòng được hưởng ưu đãi một phần nguồn thu hải quan phát sinh trên địa bàn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Hải Phòng đã có chủ trương nhất quán trong việc chăm lo các vấn đề xã hội. Tổng Bí thư chỉ rõ, thực hiện Nghị Quyết 32, Nghị quyết ĐH XI của Đảng, Hải Phòng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì được mức tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một TP Cảng - cực tăng trưởng phía Bắc.
Để Hải Phòng đến năm 2020 cơ bản trở thành TP CNH – HĐH, là cực tăng trưởng các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng cần sớm quy hoạch đầu tư phát huy lợi thế, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm tại Khu công nghệ cao, Khu kinh tế Đình Vũ –Cát Hải, mở rộng liên kết với các tỉnh thành trong khu vực vành đai kinh tế Bắc bộ. Hải Phòng ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ cho các dự án trọng điểm của Hải Phòng đã được quy hoạch.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng, giao Văn phòng Trung ương tổng hợp và sẽ đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, Tổng Bí thư cùng thảo luận, phân tích, làm rõ nhằm khẳng định các thành tựu, nhận ra hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, tìm ra giải pháp để Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết ĐH XI của Đảng và Nghị quyết ĐH XIV của Đảng bộ TP Hải Phòng đề ra.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư nêu rõ, Hải Phòng đã có nhiều cố gắng, tập trung thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), mở đầu là kiểm điểm phê bình, tự phê bình nghiêm túc, thành khẩn, bước đầu mang lại những kết quả rõ ràng, tạo bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, chấn chỉnh ngay một số công việc còn thiếu sót. Tổng Bí thư đánh giá cao tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của Đảng bộ Hải Phòng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những tư tưởng lớn của Trung ương, tập trung vào các khâu đột phá chiến lược xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Linh Nhâm
Source : phapluatvn[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét