Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Cán bộ nhũng nhiễu, tiếp tay sai phạm

"Quy trình, thủ tục các dự án còn rườm rà, phức tạp, nhiêu khê, quản lý chồng chéo, kéo dài, nhưng tôi khẳng định nguyên nhân chính yếu là do cán bộ quan liêu, nhũng nhiễu", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín nói với các đại biểu (ĐB) trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM chiều 12/7.


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trả lời chất vấn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trả lời chất vấn .

Nhùng nhằng ba năm, giải quyết trong... 15 phút

ĐB Lê Trương Hải Hiếu chất vấn: Các công trình ngầm hóa lưới điện, viễn thông không triển khai đồng bộ. Đường sá bị cày xới liên tục, nay lấp, mai đào, gây ô nhiễm, ùn tắc, không đảm bảo an toàn giao thông. UBND thành phố có biện pháp gì để giảm phiền hà cho dân?

Ông Tín thẳng thắn: Các công trình đào đường dân kêu rất nhiều. Trên cùng con đường có nhiều "ông" quản lý. Mặt đường do ngành Giao thông vận tải (GTVT), cây xanh, dưới nền đường là các "ông" viễn thông, điện lực, cấp thoát nước. "Ông" GTVT làm đường xong, lấp xuống, tới đợt bảo dưỡng, đến lượt điện lực rồi viễn thông... đào, lấp. Đó là cách "quản lý cắt khúc", mạnh ai nấy làm. Vừa qua, UBND TP HCM đã yêu cầu khi một chủ đầu tư làm, các "ông" liên quan phải phối hợp, không được làm riêng.

"Khi bàn, ai cũng đồng ý nhưng rồi không làm được. Thì ra, lúc ông này làm, ông kia chưa đến thời hạn bảo dưỡng nên không được cấp kinh phí. Để tháo gỡ vướng mắc, UBND TPHCM "quyết": Chưa đến hạn nhưng đường đã đào thì cứ bảo dưỡng trước, sau này không được đào nữa. "Ông" nào vi phạm, thành phố sẽ xử lý nghiêm khắc.

Trả lời chất vấn về thủ tục của các dự án hạ tầng làm nản lòng các nhà đầu tư, ông Tín nói: Vấn đề chính yếu là do cán bộ nhũng nhiễu. Nhiêu khê không phải do cơ chế mà do cách quản lý của ta. Ông Tín dẫn chứng: Phó giám đốc (GĐ) một sở được chỉ định làm trưởng ban quản lý dự án ký tờ trình cho một phó giám đốc sở khác phê duyệt nên "không thấy thoải mái". Có những việc, chỉ cần hai giám đốc sở "a lô" 10 phút là xong thì làm văn bản hỏi ý kiến, phúc đáp... có khi ba tháng chưa đến nơi...

"Mới đây, lãnh đạo quận Gò Vấp phàn nàn một vụ việc xử lý phối hợp với thành phố ba năm chưa giải quyết xong. Tôi yêu cầu lãnh đạo sở liên quan ngồi lại với địa phương để giải quyết thì chỉ mất 15 phút", ông Tín tiết lộ.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn: Vì sao vẫn còn duy trì các bô rác hôi thối trong khu dân cư? Ông Tín nói: "Tôi đã vào bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), đúng là hôi không chịu nổi. Một số cán bộ ở dưới nói không có nước rác rỉ ra bên ngoài, nói sông chuyển màu đen là do các khu công nghiệp bên Long An xả nước thải. Tôi nói thẳng: Dân khổ quá rồi, đừng đổ thừa nữa. Nếu các vị quan tâm khắc phục, mùi hôi có thể giảm

70 -80%".

"Một số quận huyện vẫn còn duy trì các bô chứa rác trong khu dân cư thu gom từ các hộ dân, gây hôi thối, ô nhiễm. Lý do duy trì theo giải trình của ngành môi trường là do UBND thành phố cấm lưu thông trong nội ô vào giờ cao điểm. Tôi khẳng định cấm xe tải nặng để đảm bảo an toàn chứ không cấm xe rác. Cái này là vận dụng lung tung. Ngay trong tháng 6 sẽ dẹp các bô rác. Quy định nào chưa phù hợp trong thẩm quyền thành phố sẽ sửa ngay".

Biệt thự lọt lưới, thay bông gió bị lập biên bản

Nhiều ĐB chất vấn GĐ Sở Xây dựng (XD) về nạn xây dựng trái phép tràn lan, trong đó có nhiều công trình biệt thự rất quy mô, quá trình xây dựng kéo dài cả năm trời nhưng không bị lập biên bản. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung nói: Huyện Bình Chánh có trên 600 căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Sự việc diễn ra rất lâu, không phải sau ngày "xóa" thanh tra xây dựng (TTXD) phường xã (ngày 15/5). Công tác quản lý địa bàn của TTXD như thế nào để vi phạm diễn ra trong thời gian dài? Ai chịu trách nhiệm?

ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy băn khoăn: Căn nhà 411 Huỳnh Tấn Phát còn bị nghiêng, lún. Chi phí tháo dỡ lên tới 800 triệu đồng, chủ nhà chây ỳ, cơ quan chức năng không cưỡng chế nên các hộ dân xung quanh nơm nớp lo. ĐB Phạm Thị Thanh Hiền thắc mắc: Dân sửa nhà, mua gạch bông gió theo giấy phép không có nên thay bằng loại khác. Vậy mà TTXD vẫn biết, xuống lập biên bản.

Ông Tuấn trần tình: "Khi còn làm Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, tôi đánh giá là có tiêu cực, có bao che. Trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND xã, phường, Trưởng Ban Quản lý đô thị, Chánh TTXD, GĐ Sở XD. Sau khi vụ việc bị phanh phui, Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan kiểm điểm và tiến hành xử lý trách nhiệm. Vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố một phó chủ tịch phường. Quan điểm của tôi là không bao che. Có ngày, tôi nhận được hàng chục tin báo của dân về xây dựng trái phép và đã cho kiểm tra, xử lý đến nơi, đến chốn. UBND TP HCM đã lập đoàn kiểm tra liên ngành. Chúng tôi kiên quyết buộc tháo dỡ. Công tác xử lý sẽ xong trước ngày 15/8", ông Tuấn nói.

Huy Thịnh - Trọng Thịnh
Source : xalo[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến