Gần đây, tình trạng quá tải bệnh nhân (BN) khám chữa bệnh (KCB) theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ diễn ra tại các bệnh viện (BV) lớn mà lan sang các cơ sở KCB cấp quận huyện, BV vệ tinh.
Chờ đợi khám thai sản tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: LT. |
Quận, huyện cũng quá tải
Trong chương trình "Lắng nghe và trao đổi" do HĐND TPHCM tổ chức vào ngày 7/7, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, đang xem xét cho phép các trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế phường, xã tham gia KCB cho BN BHYT.
Ông Nguyễn Văn Tư (71 tuổi, ngụ đường Lê Thị Siêng, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) kể: "Cách đây vài hôm, tôi đến Bệnh viện Củ Chi khám bệnh theo chế độ BHYT, BN rất đông. Nộp sổ làm thủ tục lúc 7 giờ 30, chờ hơn một tiếng mới được vào khám. Bác sĩ hỏi, thăm khám qua loa, kê đơn thuốc rồi cho về. Nộp đơn thuốc để đóng dấu BHYT, đưa ra nhà thuốc...phải mất gần hai tiếng nữa mới được phát thuốc. Toàn bộ quy trình khám của BS chưa đến ba phút nhưng tôi mất cả buổi sáng chầu chực, chờ đợi".
"Đến năm 2015, TPHCM sẽ đạt tỷ lệ 15 BS/một vạn dân và đến năm 2020 là 20 BS/một vạn dân. Từ năm 2014, TPHCM sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ 150 lên 300 BS/năm để đáp ứng nhu cầu của TPHCM và các tỉnh trong khu vực".
Ông Hứa Ngọc Thuận,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Theo BS Lê Vĩnh Hoàng, Giám đốc BV quận 1, vấn đề người dân phản ánh là có. Đó là dịch vụ "bảo hiểm theo yêu cầu". Theo đó, muốn chọn BS điều trị, người dân phải đóng tiền dịch vụ.
BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM khẳng định: Việc nhân viên y tế yêu cầu thẻ BHYT phải dán ảnh là không đúng quy định. Riêng về việc buộc người bệnh photocopy thẻ BHYT, bà Huyền thừa nhận một số nơi đang áp dụng, gây phiền hà cho người bệnh.
"Nhân viên y tế có thói quen viết tắt, trong khi mã số thẻ BHYT rất dài nên vừa qua, có xảy ra một số "trục trặc" trong quá trình thanh toán. Để hạn chế rủi ro, nhiều BV buộc người bệnh photocopy thẻ để ... chứng minh với cơ quan BHYT là đã phục vụ người bệnh" - BS Huyền giải thích.
BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, nhiều bệnh viện quận - huyện như Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Tân,... được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ BS được đào tạo, nâng cao tay nghề nên ngày càng được người dân tín nhiệm. Tuy nhiên, do số lượng người tham gia BHYT quá lớn (63,4% dân số TPHCM có thẻ BHYT) nên nhiều nơi quá tải.
Phường, xã sẽ vào cuộc
"Có hay không tình trạng BN BHYT từ BV tuyến trên chuyển về tuyến dưới" - ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM băn khoăn. Theo BS Võ Văn Tiền, Giám đốc BV Nguyễn Trãi, BV có 30 bàn khám bệnh nhưng hằng ngày phục vụ số BN đông gấp đôi so với công suất. "Chúng tôi phải huy động BS nội trú khám cho BN BHYT" - BS Tiền cho biết.
Theo BS Nguyễn Tấn Bỉnh, TPHCM là tuyến cuối nên các bệnh viện lớn đều quá tải, vì KCB cho các BN đến từ các tỉnh. Theo thống kê, các BV đa khoa phải phục vụ 30% BN các tỉnh, các BV chuyên khoa: 50%. Riêng BV ung bướu lên đến 70%. Tình trạng quá tải khiến chất lượng dịch vụ KCB bị hạn chế. "Muốn giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tốt nhất là phải giảm tải. Đó là lập thêm bệnh viện vệ tinh và tăng cường giám sát chất lượng KCB. BV quận huyện là BV loại ba. Nếu làm tốt, có thể nâng hạng" - BS Bỉnh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, BV nhiều quận - huyện hiện nay đã quá tải nên TPHCM đang xem xét đến phương án triển khai thêm dịch vụ KCB theo chế độ BHYT tại các Trạm y tế phường, xã.
"Tại nhiều BV, có BS phải khám đến 120 BN/ngày. Đông như vậy, khám viêm họng, BS chỉ đủ thời gian... lấy cây đè lưỡi BN và cho thuốc chứ làm sao kịp chẩn đoán. Trong khi đó, trạm y tế của 324 phường, xã tại thành phố hầu hết đã có BS (34/324 phường, xã chưa có BS), có nơi còn có BS đã học chuyên khoa. Sắp tới, ngoài các Trạm y tế phường, xã, TPHCM sẽ cho phép các Trung tâm, Trạm y tế dự phòng tham gia KCB cho BN BHYT" - ông Thuận khẳng định.
Huy Thịnh
Source : xalo[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét